Tại hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi năm 2019”, tổ chức ngày 9/9, ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bày tỏ mối quan tâm đến việc phát triển thị trường tiềm năng này, đồng thời chia sẻ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hiệu quả hơn.

Bà Dương Thị Bích Diệp, Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần LaviFood:

Với thế mạnh về hàng nông sản tươi và chế biến chất lượng cao, các sản phẩm của Lavifood thường nhắm tới các thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ và các nước châu Mỹ, Bắc Âu, các nước ở châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đối với thị trường Trung Đông – châu Phi, đây là một thị trường lớn mà Lavifood đã tìm hiểu và tiếp cận; đồng thời mới vừa có 1 lô hàng xuất khẩu sang UAE. Song đây mới chỉ là 1 quốc gia trong cả khu vực. Lavifood xác định đây là 1 trong những thị trường cực kỳ tiềm năng, thậm chí có thể đạt tới những bước đột phá trong ngạch hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Về chủ trương thì Chính phủ và các cơ quan chức năng như Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như đại diện đại sứ quán các nước trong khu vực Trung Đông – châu Phi đang làm rất tích cực để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước trong khu vực. Tuy nhiên, do những rào cản khác nhau về văn hóa, địa lý, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa được quy định ở mỗi quốc gia mà những mặt hàng đặc thù như nông sản của Việt Nam vẫn gặp một số những khó khăn trong quá trình tiếp cận thị trường.

Những khó khăn ấy xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo đó, cụ thể như, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này liệu có đảm bảo được chất lượng và những tiêu chuẩn khắt khe do thị trường yêu cầu đòi hỏi hay không? Nếu được rồi thì liệu có đảm bảo được độ ổn định cả về chất lượng lẫn sản lượng trong 1 quá trình dài…

Đó là những bài toán mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang gặp phải; đặc biệt là với thị trường các nước Trung Đông – châu Phi. Còn 1 thách thức rất lớn nữa là vấn đề thanh toán. Lâu nay, các nước tại khu vực này thường quen với phương thức “mua và nhận hàng trước, thanh toán sau” chứ không theo hình thức thư tín dụng L/C có đơn vị đứng ra bảo lãnh như cách truyền thống và thói quen của người Việt Nam lâu nay vẫn làm. Đó chính là rủi ro tiềm ẩn mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải dè chừng và thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp ngại ngần trong quan hệ trao đổi, hợp tác thương mại với các đối tác Trung Đông – châu Phi.

Vướng mắc này các cơ quan chức năng đều nắm được nhưng để xử lý thì không dễ dàng. Bởi sự khác biệt về văn hóa, về khả năng tích hợp của hệ thống pháp luật của các quốc gia, việc hợp tác về tài chính đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực nói trên có hay không…Đây cũng chính là lý do để cần có những cuộc gặp mặt như thế này để “mở bung” ra hết các vấn đề quan ngại về rào cản, để cùng tìm ra 1 cơ chế, chính sách thuận lợi hơn từ phía Chính phủ, để hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn khoảng cách, chi phí trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa.

Xuất phát từ hoạt động thực tiễn của Lavifood, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng; trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có 1 cổng thông tin doanh nghiệp về từng khu vực để kết nối các doanh nghiệp trong từng ngành hàng với nhau. Qua đó, với sự bảo chứng của các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp có thể cập nhật những thông tin mới nhất của mình, về từng thay đổi, từng diễn biến hoạt động của doanh nghiệp, đưa sản phẩm, thương hiệu, hình ảnh của mình lên đó… Nó cũng có thể giúp các doanh nghiệp đối tác ở các nước bạn, có thể truy cập vào để tìm hiểu trước những đối tượng phù hợp với mình, thay vì phải đi tìm loanh quanh, đôi khi tìm mà không trúng hoặc tìm phải những đơn vị không đúng tầm cỡ, quy mô với mình. Rõ ràng như vậy là dễ làm mất uy tín quốc gia.

Ngoài ra, các bộ, ngành cũng cần xây dựng những website hoặc cổng thông tin về các thị trường xuất khẩu, về nhu cầu nhập khẩu của các nước đối tác để khi doanh nghiệp nào cần, có nhu cầu tìm hiểu hoặc tiếp cận thị trường cũng sẽ nhanh chóng tìm thấy kết quả. Thậm chí trên đó cần cập nhật cả những thông tin về chính sách, về pháp luật về nhu cầu thị trường của đối tác.

Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm, rút ngắn thời gian, chi phí cho việc khảo sát, tìm hiểu thị trường. Trong khi đó, Việt Nam hiện có mạng lưới các đại sứ quán, thương vụ ở tại nhiều nước trên thế giới, Lavifood cũng mong muốn họ tích cực hơn, hỗ trợ tốt hơn bằng cách ứng dụng công nghệ để cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả và kịp thời về cho doanh nghiệp. Thêm nữa, cần có các buổi tiếp xúc chuyên đề giữa các doanh nghiệp cùng ngành với nhau để giúp doanh nghiệp gia tăng cơ hội và đạt hiệu quả trong việc tìm kiếm đối tác, bạn hàng.

Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm nấm xuất khẩu Tư Thao Sóc Trăng:

Doanh nghiệp đang chuẩn bị nhiều mặt hàng sản phẩm phong phú, đa năng để xuất khẩu sang các nước thuộc thị trường Trung Đông – châu Phi như hoa quả sấy, đồ hộp trái cây hay gạo, các loại nông sản như củ hành, bưởi… Hiện nay doanh nghiệp mới tiếp cận được 1 số ít thị trường các quốc gia trong khu vực Trung Đông – châu Phi như Dubai, Ai Cập… và theo đánh giá của chúng tôi, đây là khu vực thị trường có tiềm năng to lớn, cư dân đông đúc nên triển vọng xuất khẩu là rất lớn.

Hiện tại, cũng như nhiều doanh nghiệp khác tại địa phương, Tư Thao Sóc Trăng đang tìm cách tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới nhờ vào quan hệ cá nhân, qua sự giới thiệu đầu mối của bạn bè, đối tác. Trong khi trên thực tế, sự hỗ trợ và tạo điều kiện tiếp xúc hoặc các hoạt động xúc tiến thương mại của những cơ quan, ban ngành chức năng ở địa phương còn rất hạn chế và ít hiệu quả.

Tại sự kiện Gặp mặt các Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi, đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp “góp mặt” để giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu tới các đối tác, khách hàng. Với tín hiệu khả quan và sự hấp dẫn của thị trường Trung Đông – châu Phi, doanh nghiệp thực sự bị thu hút và quyết tâm sẽ tiến sâu hơn để chinh phục thị trường này.

Bà Nguyễn Thị Phấn, Giám đốc Công ty FATACO Bến Tre:

Với sản phẩm tiêu biểu là thuốc đặc trị cắt cơn nghiện ma túy Bông Sen, FATACO không những đồng hành cùng toàn xã hội trong cuộc đấu tranh phòng chống hiểm họa ma túy mà còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội ở Bến Tre nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Riêng tại các nước ở Trung Đông – châu Phi, sản phẩm của FATACO đã chinh phục thị trường suốt 5 năm qua và có triển vọng ngày càng phát triển và sẽ được mở rộng hơn nữa. Thuốc đặc trị cắt cơn nghiện ma túy Bông Sen là sản phẩm nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, được Bộ Y tế cấp phép; nhiều tổ chức thế giới chứng nhận và đã xuất khẩu sang Lào, Campuchia cùng hơn 17 nước Tây Phi. Hiện nay, với sản phẩm này, FATACO đã có đại lý phân phối độc quyền toàn khu vực châu Phi và dự kiến tiếp tục tìm kiếm thêm các nhà phân phối.

Về cơ bản, những sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của FATACO khi tiếp cận thị trường các nước Trung Đông – châu Phi đều thu được phản hồi tốt và được đánh giá cao, đảm bảo hợp quy và đáp ứng nhu cầu lớn của người dân ở các quốc gia này. Chính phủ, các tổ chức quốc tế và phía các đối tác đều có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Nếu điều kiện cho phép, FATACO sẽ tiếp tục giới thiệu thêm một số các mặt hàng sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, không chỉ thu lợi về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội to lớn.

Bà Từ Thanh Hương, Giám đốc dự án, Công ty TNHH Giống cây trồng Giang Nam:

Doanh nghiệp đã tiến hành thử nghiệm giống lúa thuần GBS9 sang Sierra Leone (Tây Phi) trồng vào năm 2018, mới đây, sản phẩm đã được nghiệm thu với kết quả hết sức khả quan. Năng suất đạt 6 tấn lúa/ha, cao gấp đôi, gấp ba lần năng suất của giống lúa địa phương, đáp ứng sự mong đợi của các nhà đầu tư, các khách hàng tại thị trường Tây Phi.

Sau kết quả này, Giang Nam đã thực hiện xuất khẩu 1 lô hàng lúa giống vào tháng 7 và 1 lô sẽ vào tháng 10 của năm nay tới các nước thuộc khu vực Tây Phi. Dự kiến, lượng lúa giống này đủ phủ từ 10.000 – 15.000 ha diện tích. Mục tiêu của Giang Nam là tới đây sẽ ký kết cùng Chính phủ Sierra Leone thực hiện chương trình an toàn lương thực và phát triển giống GBS9 với diện tích 100.000 ha trong thời gian tới và triển vọng là phủ rộng ra cả Tây Phi với thị trường 220 triệu dân.

Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi năm 2019” là cơ hội rất lớn để Giang Nam được tiếp cận và mở rộng thị trường; cũng như tìm kiếm thêm các đối tác hợp tác thương mại để phát triển những sản phẩm nông sản hiện có của Giang Nam. Theo kế hoạch, Giang Nam sẽ mở rộng thị trường và tìm kiếm thêm các đối tác là những khách hàng tư nhân, các doanh nghiệp mua lẻ bởi hiện tại mới khởi đầu với Chính phủ các nước và các quỹ đầu tư.

Chú thích ảnh
Các khách mời dự tham luận. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Qua thực tiễn tiếp xúc, khu vực Trung Đông và châu Phi là thị trường rất lớn, nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, lương thực, thực phẩm. Đây cũng là khu vực có yêu cầu đòi hỏi về các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, chất lượng tương đối khắt khe, chứ đừng lầm tưởng rằng họ dễ tính và đơn giản. Đây sẽ là khu vực mang lại cơ hội lợi nhuận cực kỳ tốt cho ngành nông nghiệp Việt Nam nếu biết tận dụng các lợi thế sẵn có.

Để có thể tăng cường xuất khẩu và hợp tác ngày càng chặt chẽ, thu lại hiệu quả tích cực trong quan hệ kinh tế với các nước thuộc khu vực này, Chính phủ cần nhanh chóng xem xét, ký kết các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương với các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông – châu Phi. Mở cửa được khu vực này, Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm nhiều thành quả hợp tác hơn nữa trên hành trình chinh phục thế giới.

 

Nguồn: Báo tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

+84913 890 302