Lâu nay, nấm chỉ là một sản phẩm nhỏ ở nước ta. Nhưng với việc nấm ăn và nấm dược liệu vừa được đưa vào Danh mục sản phẩm quốc gia, ngành nấm đang được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong những năm tới, đáp ứng nhu cầu trong nước và mang lại giá trị xuất khẩu lớn.
Sản xuất nấm ở Đồng Nai
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nước ta hiện đang sản xuất 16 chủng loại nấm, sản lượng hàng năm đạt khoảng 250 ngàn tấn nấm tươi (mộc nhĩ 120 ngàn tấn, nấm rơm 64 ngàn tấn, nấm sò 60 ngàn tấn, nấm mỡ 5 ngàn tấn, nấm linh chi 300 tấn …). Năm 2011, xuất khẩu nấm của nước ta đạt giá trị khoảng 90 triệu USD.
So với nhiều nước ở khu vực Đông Á, sản lượng nấm của nước ta còn rất nhỏ. Trung Quốc, nước sản xuất nấm lớn nhất thế giới đã đạt sản lượng 20,2 triệu tấn, mỗi năm xuất khẩu đạt hàng tỷ USD. Tổng giá trị sản xuất nấm ở Hàn Quốc năm 2008 đã đạt khoảng 8 tỷ USD. Điều đáng nói là Hàn Quốc đang nhập khẩu nguyên liệu (mùn cưa, rơm rạ …) từ Việt Nam, thuê người Việt Nam sang làm nhân công trong các cơ sở sản xuất, chế biến nấm, rồi lại xuất khẩu nấm cao cấp sang Việt Nam.
Trong khi đó, thị trường nhập khẩu nấm trên thế giới đang khá rộng mở. Năm 2010, các nước trên thế giới nhập khẩu 1,26 triệu tấn nấm, trị giá 3,3 tỷ USD. Trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng của thị trường xuất nhập khẩu nấm thế giới là 10%/năm. Đức hiện đang là thị trường nhập khẩu nấm lớn nhất thế giới với giá trị nhập khẩu 300 triệu USD/năm, tiếp đó là Mỹ 200 triệu USD/năm, Pháp 140 triệu USD/năm, Nhật Bản 100 triệu USD/năm… Mức tiêu thụ nấm bình quân theo đầu người ở các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản hiện từ 4-6 kg/năm, và dự kiến sẽ tăng 3,5%/năm.
Ở nước ta, nhu cầu tiêu thụ nấm cũng đang tăng mạnh trong những năm qua, chủ yếu là tiêu thụ nấm tươi và nấm khô. Giá nấm tươi, khô ở TP. HCM, Đồng Nai và nhiều tỉnh, TP khác đang ở mức khá tốt: nấm mỡ, nấm rơm 50.000-60.000 đ/kg, nấm hương 70.000-80.000 đ/kg, nấm tai mèo 60.000-70.000 đ/kg… Ông Đinh Xuân Linh, GĐ Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật thuộc Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), cho hay, Việt Nam đang phải nhập khẩu nấm cao cấp từ Trung Quốc, Hàn Quốc… với mức bình quân khoảng 10 tấn/ngày. Ông Nguyễn Quang Trung, GĐ Cty TNHH Tư Thao (Sóc Trăng), cho hay, hiện nay có rất nhiều thị trường cũng như nhà phân phối có nhu cầu tiêu thụ nấm rơm nhưng sản lượng nấm rơm Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đó.
Trước thực tế đó, cũng như tiềm năng lớn trong việc phát triển nấm ở nước ta, Bộ NN-PTNT đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt sản lượng nấm 400 ngàn tấn, trong đó 300 ngàn tấn để tiêu thụ trong nước và 100 ngàn tấn xuất khẩu, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 12 ngàn tỷ đồng/năm, giá trị xuất khẩu đạt 150-200 triệu USD. Đến năm 2020, sản lượng nấm sẽ được nâng lên tới 1 triệu tấn (50% tiêu thụ trong nước, 50% xuất khẩu), ngành nấm giải quyết việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, giá trị xuất khẩu đạt 450-500 triệu USD/năm.
Theo Cục Trồng trọt, nguồn nguyên liệu trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được những mục tiêu nói trên, bởi hiện nay, nguồn phụ phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp vào khoảng 40 triệu tấn/năm. Nếu chỉ sử dụng khoảng 1/10 lượng phụ phế phẩm nông nghiệp vào sản xuất nấm, hoàn toàn có thể đạt sản lượng 1 triệu tấn. Điều kiện thời tiết ở nước ta lại rất phù hợp để sản xuất nhiều chủng loại nấm khác nhau, từ nấm ưa lạnh tới nấm ưa mát, nấm ưa nhiệt, do đó có thể trồng nấm quanh năm trên các địa bàn. Về khoa học công nghệ, đã cơ bản làm chủ được công nghệ nhân giống, sản xuất đối với các loại nấm chủ lực; nhiều loại nấm cao cấp, có giá trị kinh tế cao đã được du nhập, chọn lọc, bắt đầu đưa vào sản xuất; đã hình thành hệ thống nhân giống nấm từ trung ương tới các địa phương…
Tuy nhiên, để cây nấm thực sự phát triển bền vững, xứng đáng là một sản phẩm quốc gia, vẫn còn khá nhiều việc phải làm. Theo PGS.TS Phạm Thành Hổ (Đại học KHTN TP. HCM), công việc đầu tiên là phải hình thành ngay một hệ thống đồng bộ và hoàn chỉnh, bao gồm Ban chỉ đạo Trung ương, Hiệp hội nấm, các cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm, các cơ sở đào tạo dạy nghề trồng và chế biến nấm, các doanh nghiệp ngành nấm… Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng, doanh nghiệp phải là nòng cốt, là đầu tàu trong việc đưa ngành nấm đi lên. Còn theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, Việt Nam đang đi sau khá xa so với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… trong việc phát triển nghề nấm. Vì thế, chúng ta phải xác định hướng đi phù hợp để tạo được vị trí của Việt Nam trên thị trường nấm thế giới
Nguồn: Nhãn hiệu việt